Những thực phẩm và thói quen không tốt cho sức khỏe gan, thận cần tránh

Những thực phẩm và thói quen không tốt cho sức khỏe gan, thận cần tránh

Gan và thận là hai cơ quan quan trọng trong cơ thể con người, giữ vai trò lọc các chất độc hại và chuyển hóa chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, nhiều người đã vô tình tiếp nhận các thực phẩm và thói quen không tốt, khiến hai cơ quan này phải làm việc quá tải, gây nguy hại cho sức khỏe. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về những đồ ăn, thức uống và thói quen xấu cần tránh để bảo vệ gan, thận.

Những thực phẩm cần tránh để bảo vệ gan, thận

Cà chua chưa chín hoàn toàn

Cà chua chín thường có giá trị dinh dưỡng rất cao, nhưng cà chua còn xanh, chưa chín hoàn toàn lại chứa chất solanine. Đây là chất có độc tố mạnh và rất dễ làm hại tới cơ quan gan. Nếu nạp vào cơ thể một lượng lớn solanine, gan sẽ phải làm việc nhiều hơn để giải độc cho cơ thể, từ đó khiến cơ quan này bị quá tải và dẫn đến tình trạng gan ngày càng nghiêm trọng hơn.

Đậu phụ thối

Đậu phụ thối là một món ăn của người Trung Quốc với mùi hương khó ngửi. Tuy nhiên, nhiều người vẫn vô tư ăn món này trong khi đang mắc bệnh gan mà không biết lượng vi khuẩn trong đậu phụ thối có thể làm tổn thương tế bào gan. Do trong quá trình lên men, đậu phụ thối sẽ sản sinh một lượng lớn hydro sulfua, amoniac và các chất ăn mòn khác. Điều này vô cùng có hại với những người mắc bệnh gan, vì nó có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến quá trình phục hồi chức năng gan.

Những thực phẩm và thói quen không tốt cho sức khỏe gan, thận cần tránh

Rau muối chua

Rau muối chua sau khi tẩm ướp thường có vị mặn đậm đà, dễ kích thích người ăn. Tuy nhiên, trong quá trình chế biến, món này dễ sản sinh nhiều nitrit. Nguyên nhân là do trong quá trình lên men sẽ khiến nitrosamine được tạo ra. Chất này có thể gây tổn thương tế bào gan và làm giảm quá trình trao đổi chất của gan.

Khoai tây mọc mầm

Trong toàn bộ cây khoai tây đều có chứa solanin, nhưng hàm lượng trong khoai tây trưởng thành lại ít hơn. Đối với những củ khoai tây đã mọc mầm, phần vỏ có màu xanh đen thì lượng độc tố trong củ khoai này khá cao. Nhiều chuyên gia khuyến cáo không nên ăn loại khoai này.

Thịt

Hiện nay, lượng chất béo động vật đưa vào cơ thể mỗi người trung bình là 0,8mg/ngày, gấp đôi hàm lượng chất béo cho phép. Chất béo có nguồn gốc động vật thường chứa các chất khó tiêu hóa nên đòi hỏi gan và thận phải làm việc với công suất lớn, dễ dẫn đến tổn thương.

Thuốc giảm đau

Dùng thuốc giảm đau trong thời gian dài có thể làm tốc độ lưu thông máu trong cơ thể chậm lại, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của gan và thận, thậm chí có thể dẫn tới tình trạng suy gan và suy thận nếu sử dụng trong thời gian dài. Đối với những người có tiền sử mắc phải các bệnh về gan và thận cần đặc biệt chú ý tới việc sử dụng các loại thuốc giảm đau vì sẽ dễ dẫn tới tình trạng bệnh ngày càng trở nên trầm trọng.

Quả bơ

Mặc dù bơ rất phổ biến và được ca ngợi về tính chất dinh dưỡng đa dạng, nhưng nếu ăn quá nhiều bơ có thể gây nguy hiểm cho thận, đặc biệt là những người đã bị bệnh thận trước đó. Lý do xuất phát từ việc loại trái cây này chứa hàm lượng kali quá cao. Quá nhiều kali trong máu có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như chuột rút cơ bắp và nhịp tim không đều.

Muối

Một chế độ ăn uống lành mạnh chỉ nên bao gồm tối đa 2300 mg natri mỗi ngày, tương đương một muỗng cà phê muối. Nếu bạn ăn quá nhiều muối, thận sẽ phải làm việc cật lực hơn để loại bỏ lượng natri dư thừa, từ đó dẫn đến huyết áp cao. Để giữ cho thận khỏe mạnh, bạn nên nêm thêm các loại gia vị và thảo mộc khác, thay vì lạm dụng muối. Cũng nên giảm tiêu thụ các loại thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn như soup và rau đóng hộp, pizza đông lạnh, salad trộn, vì chúng thường chứa rất nhiều muối.

Đường

Ăn quá nhiều đường không chỉ có hại cho răng mà còn gây hại cho gan. Tại gan, fructose sẽ được chuyển hóa và một phần tạo thành các giọt chất béo. Vì vậy, việc sử dụng quá nhiều đường tinh luyện và si-rô hàm lượng fructose cao sẽ gây tích tụ chất béo, dẫn đến các bệnh lý về gan. Một số nghiên cứu cho thấy đường có thể gây hại cho gan tương đương với rượu, ngay cả khi bạn không bị thừa cân. Do đó cần hạn chế các thực phẩm nhiều đường như bánh ngọt, kẹo.

Măng tươi

Măng là thực phẩm được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, một số loại măng, đặc biệt là măng tươi có thể gây ngộ độc, thậm chí dẫn đến tử vong. Trong măng tươi có hàm lượng cyanide rất cao, khoảng 230mg trong 1kg măng củ. Khi ăn phải măng có chứa nhiều cyanide, dưới tác động của các enzym đường tiêu hóa, cyanide biến thành axít cyanhydric (HCN), là một chất cực độc với cơ thể, gây hại cho gan.

Một số loại trái cây

Một nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Mỹ tại ĐH Tuffs cho thấy những loại trái cây rất giàu chất kháng ôxy hóa như mận, trái mâm xôi, dâu tây, cam, bưởi ruột đỏ, chuối, táo, lê... Mặc dù các chất kháng ôxy hóa này giúp bảo vệ gan trước những độc chất và các gốc tự do, nhưng cần tránh lạm dụng những trái cây giàu chất kháng ôxy hóa quá mức vì sẽ khiến gan phải làm việc quá sức.

Đồ nướng, rán

Ăn đồ nướng rán là thói quen phổ biến của nhiều người. Ăn đồ nướng rán tẩm cả chất đường cho có chất ngọt và nướng già để giòn tan gây ra hoạt chất gây ung thư (nướng rán ở nhiệt độ cao). Điều này không tốt cho gan vì các chất độc phải qua gan xử lý, khiến gan hoạt động nhiều hơn, gây nóng trong người như nổi mụn, táo bón,...

Chuối

Nếu bạn nghi ngờ mình đang mắc các vấn đề về thận, một chế độ ăn đủ dinh dưỡng và hợp lý là cực kỳ cần thiết để giữ sức khỏe. Điều này đồng nghĩa với việc bạn nên hạn chế tiêu thụ một số loại thực phẩm như chuối, bởi chúng chứa hàm lượng kali rất cao, có thể gây hại cho những người có thận đang hoạt động kém. Một người trưởng thành khỏe mạnh cần hấp thụ 3500 – 4700 mg kali mỗi ngày từ các loại thực phẩm, và một quả chuối bình thường (150g) đã chứa 537 mg kali. Nhưng nếu bạn đang mắc các bệnh về thận, lượng kali tiêu thụ cần phải thấp hơn vì cơ thể bạn không thể lọc được hàm lượng vượt cao quá mức, điều này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Thực phẩm nấm mốc

Khi ăn phải thực phẩm bị nấm mốc, gan của bạn sẽ phải hoạt động nhiều hơn bình thường để giúp cơ thể loại bỏ độc tố. Hơn nữa, những độc tố trong thực phẩm nấm mốc còn có thể là tác nhân gây tổn thương gan và làm tăng nguy cơ ung thư gan cùng với một số loại ung thư đường tiêu hóa khác như ung thư dạ dày, ung thư thực quản,… Chính vì thế, bạn nên bảo quản thức ăn tốt và không nên ăn những loại thực phẩm đã bị nấm mốc.

Các sản phẩm từ sữa

Mặc dù các sản phẩm từ sữa chứa rất nhiều vitamin và chất dinh dưỡng, nhưng tiêu thụ quá nhiều sữa, sữa chua và phô mai lại hại nhiều hơn lợi. Điều này xuất phát từ việc lượng phốt pho cao có trong sữa sẽ gây ra nhiều áp lực cho thận của bạn. Hơn nữa, nếu thận của bạn không hoạt động hết công suất, chúng không thể loại bỏ các phốt pho dư thừa ra khỏi máu và điều này sẽ khiến xương của bạn mỏng và yếu theo thời gian, tăng nguy cơ gãy xương.

Nước ngọt

Nhiều nghiên cứu cho thấy những người uống nhiều nước ngọt dễ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu hơn những người ít sử dụng. Các nghiên cứu này không chứng minh được nước ngọt là nguyên nhân chính gây ra bệnh, nhưng nếu hạn chế uống soda mỗi ngày sẽ có lợi cho bạn trong việc chuyển sang một loại thức uống mới tốt hơn cho sức khỏe.

Bia rượu hay những loại đồ uống có ga

Những loại đồ uống này không hề tốt cho sức khỏe. Đặc biệt là khi bạn uống rượu, chất cồn sẽ hấp thu vào máu qua niêm mạc dạ dày và ruột. Trong khi đó, máu ở đường tiêu hóa sẽ đi qua gan trước khi đi về tim. Chính vì thế, gan sẽ là nơi tập trung nồng độ cồn cao nhất. Tại đây hệ thống enzyme của gan sẽ chuyển hóa cồn thành CO2 và nước, sau đó sẽ được thải qua đường hô hấp và nước tiểu.

Tuy nhiên, mỗi giờ, gan chỉ xử lý được một lượng cồn nhất định. Đối với những trường hợp nghiện rượu bia, uống rượu bia quá nhiều khiến cho nồng độ cồn tăng nhiều và liên tục trong máu, gan không kịp chuyển hóa thì có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh về gan như gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan và nhiều căn bệnh khác.

Thịt dê  

Thịt dê là một món ăn ngon và hấp dẫn nhưng không tốt đối với những trường hợp đang gặp phải những vấn đề về gan, nhất là tình trạng viêm gan. Thịt dê có tính ngọt, nóng, đồng thời có chứa lượng protein và lipid cao gây ra những áp lực cho gan khiến gan khó khăn hơn khi đào thải độc tố. Chính vì thế, thịt dê cũng được xếp vào nhóm các thực phẩm không tốt cho gan.

Gừng

Gừng có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nhưng một số hoạt chất trong loại thực phẩm này có thể gây hại cho những tế bào gan, đặc biệt khiến cho bệnh viêm gan trở nên nghiêm trọng hơn. Bởi vậy, những người mắc bệnh viêm gan nên hạn chế loại thực phẩm này.

Những thói quen xấu cần tránh để bảo vệ gan, thận

Ngoài việc sử dụng các loại thực phẩm không tốt, một số thói quen sinh hoạt không lành mạnh cũng có thể khiến cho gan và thận bị nguy hại:

Căng thẳng, mệt mỏi  

Những căng thẳng, mệt mỏi trong đời sống hàng ngày có ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, trong đó có gan và thận. Khi cơ thể trong trạng thái căng thẳng, mất ngủ, mệt mỏi, áp lực máu tăng cao, lượng máu lưu thông qua gan và thận cũng giảm mạnh, không đủ để duy trì hoạt động bình thường.

Thức quá khuya  

Thức khuya khiến cơ thể bị mệt mỏi, giảm khả năng suy nghĩ và tập trung. Đồng thời, thức khuya cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, béo phì và các vấn đề về gan, thận. Cơ thể cần thời gian nghỉ ngơi để phục hồi và thải loại các chất cặn bã, độc tố. Thức khuya làm giảm thời gian nghỉ ngơi, khiến gan và thận phải làm việc quá tải.

Lười vận động  

Lười vận động là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh gan nhiễm mỡ. Khi ít vận động, cơ thể sẽ hấp thụ ít oxy hơn, làm chậm quá trình trao đổi chất, dẫn đến tích tụ mỡ trong gan và các cơ quan khác. Vận động thường xuyên sẽ giúp cải thiện sự lưu thông máu, từ đó thúc đẩy hoạt động chuyển hóa của gan và thận.  

Lạm dụng thuốc  

Thói quen sử dụng quá nhiều thuốc, đặc biệt là thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm, cũng là một trong những nguyên nhân gây hại cho gan và thận. Những loại thuốc này nếu được sử dụng trong thời gian dài và liều lượng cao sẽ khiến độc tố tích tụ trong cơ thể, gây áp lực lên gan và thận. Hơn nữa, nhiều loại thuốc chữa bệnh cũng có thể gây tác dụng phụ làm tổn thương gan và thận nếu sử dụng không đúng liều lượng.

Để bảo vệ sức khỏe gan và thận, chúng ta cần chú ý tránh sử dụng một số loại thực phẩm nhất định và thay đổi một số thói quen sinh hoạt xấu. Hãy chăm sóc cơ thể mình bằng cách ăn uống lành mạnh, vận động thường xuyên, nghỉ ngơi đầy đủ và tránh lạm dụng thuốc, để duy trì một sức khỏe tốt và hạn chế nguy cơ mắc bệnh.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn