Ung thư gan có lây không? Nguyên nhân và cách phòng ngừa
Ung thư gan là một trong những loại ung thư nguy hiểm và phổ biến nhất trên thế giới. Với tốc độ phát triển nhanh, căn bệnh này đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của người bệnh. Khi được chẩn đoán mắc ung thư gan, không chỉ người bệnh mà cả người nhà đều lo lắng và thắc mắc liệu bệnh có lây lan hay không. Câu hỏi "Ung thư gan có lây không?" đang là mối quan tâm lớn của nhiều người. Hiểu đúng về bản chất của căn bệnh này sẽ giúp bạn và người thân an tâm hơn trong quá trình điều trị, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng ngừa phù hợp.
Nguyên nhân gây bệnh ung thư gan
Trước khi tìm hiểu xem ung thư gan có lây không, chúng ta cần nắm rõ nguyên nhân gây ra căn bệnh nguy hiểm này. Ung thư gan là tình trạng xuất hiện khối u ác tính bắt đầu phát triển từ các tế bào gan.
Đột biến gen
Ung thư gan xảy ra khi có sự đột biến gen trên các tế bào gan bình thường. Gen là yếu tố quy định sự phát triển, nhân lên và chết đi của tế bào. Khi gen bị đột biến, các tế bào gan phát triển và nhân lên một cách mất kiểm soát hoặc vòng đời của nó kéo dài hơn. Sau một thời gian, khối u được hình thành và gọi là ung thư gan nguyên phát.
Viêm gan mãn tính và xơ gan
Các nghiên cứu về y học cũng nhận định rằng tình trạng viêm gan mãn tính và xơ gan như virus viêm gan B (HBV), virus viêm gan C (HCV) cũng có thể là yếu tố dẫn đến bệnh ung thư gan. Các tình trạng bệnh lý này gây tổn thương cho tế bào gan và biến các tế bào gan khỏe mạnh thành tế bào ung thư.
Lạm dụng rượu bia
Việc thường xuyên sử dụng đồ uống có cồn sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư gan. Rượu bia có tác động trực tiếp đến gan, gây tổn thương và viêm nhiễm, từ đó dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như xơ gan và ung thư gan.
Ung thư gan có lây không?
Sau khi hiểu rõ nguyên nhân gây ung thư gan, chúng ta sẽ trả lời câu hỏi then chốt: "Ung thư gan có lây không?". Câu trả lời là không, dù ở bất kỳ giai đoạn nào, kể cả là ung thư gan giai đoạn cuối. Tất cả các bệnh ung thư khác nói chung và ung thư gan nói riêng đều không có khả năng lây nhiễm.
Nhiều người lo sợ rằng bệnh ung thư gan có thể sẽ lây lan qua đường ăn uống, tiếp xúc gần gũi, hôn môi, chạm tay, quan hệ tình dục, hít thở chung bầu không khí hay dùng chung thức ăn… Trên thực tế, tế bào ung thư của người mắc bệnh không thể lây truyền cho người khỏe mạnh khác.
Tế bào gây ung thư khác xa so với các tác nhân truyền nhiễm như virus hay vi khuẩn. Cơ bản, tế bào ung thư chỉ là tế bào bình thường nhưng lại phát triển bất thường. Nếu tế bào ung thư của người mang bệnh xâm nhập vào cơ thể người khỏe mạnh, hệ thống miễn dịch sẽ nhận diện ra các tế bào lạ và tiêu diệt chúng ngay lập tức.
Ngược lại, tế bào của virus hay vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể người sẽ tiến hóa đặc biệt để có thể tồn tại và phát triển ít nhất trong một khoảng thời gian ở cơ thể người mà chúng mới tấn công.
Tại sao nhiều người lầm tưởng ung thư gan có thể lây lan?
Mặc dù ung thư gan không thể lây nhiễm, nhưng vẫn có một số tình huống gây hiểu lầm khiến nhiều người lo lắng rằng bệnh có thể lây lan.
Nhiễm trùng làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan
Mặc dù bản thân tế bào gây ung thư gan không thể lây nhiễm cho người khác, nhưng các loại virus gây viêm gan, làm tăng nguy cơ ung thư gan thì vẫn có thể lây lan. Nếu nhiễm virus viêm gan B hoặc C hoặc cả 2 mà không được điều trị có thể dẫn đến ung thư gan.
Viêm gan B, C là loại virus gây ung thư gan hàng đầu thế giới và lây nhiễm qua đường máu, chẳng hạn như tiếp xúc với kim tiêm của người nhiễm bệnh. Nếu không được điều trị sớm, việc nhiễm 2 loại virus này có thể làm tổn thương gan nghiêm trọng như xơ gan và ung thư gan nguyên phát.
Hiện nay, chỉ cần thực hiện một xét nghiệm máu đơn giản đã có thể giúp phát hiện ra bệnh viêm gan B và C. Các phương pháp điều trị cũng rất an toàn và hiệu quả.
Ung thư gan trong gia đình
Trên thực tế, bệnh ung thư gan có thể xảy ra ở nhiều thành viên trong một gia đình. Ung thư nói chung và bệnh ung thư gan nói riêng chỉ có thể di truyền khi có chung bộ gen và có những đột biến gen giống nhau sẽ dẫn đến ung thư ở các thành viên trong gia đình.
Ngoài ra, khi các thành viên trong gia đình đều có một lối sống không lành mạnh như chế độ ăn uống không khoa học, uống rượu bia, hút thuốc hay cùng tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư gan, họ sẽ có nguy cơ mắc bệnh tương tự nhau. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mọi người đã lây bệnh ung thư gan cho nhau.
Cấy ghép nội tạng
Trong một vài trường hợp hiếm gặp, một người nhận nội tạng từ người hiến tặng có tiền sử bị ung thư gan thì sẽ có nguy cơ phát triển thành bệnh ung thư về sau. Thông thường, hệ thống miễn dịch sẽ tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào lạ được đưa vào cơ thể. Tuy nhiên, ở những người nhận tạng cần phải sử dụng thuốc chống thải ghép, làm ức chế hệ thống miễn dịch. Do đó, tế bào ung thư sẽ có cơ hội phát triển.
Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra tình trạng này là rất thấp. Theo thống kê của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, chỉ có 2/10.000 ca cấy ghép gan bị ung thư gan. Ngày nay, quá trình sàng lọc trước khi cấy ghép gan được tiến hành cực kỳ kỹ lưỡng nên nguy cơ mắc ung thư gần như là không có.
Mặt khác, có nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, bệnh ung thư phổ biến hơn ở những đối tượng được cấy ghép nội tạng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thuốc chống thải ghép tạng làm suy yếu hệ miễn dịch, hạn chế khả năng tìm ra tế bào bị tổn thương và tạo cơ hội cho virus bên ngoài tấn công cơ thể, tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Biện pháp phòng ngừa bệnh ung thư gan
Bên cạnh việc hiểu về vấn đề ung thư gan có lây không, bạn đọc cũng nên biết cách bảo vệ bản thân khỏi căn bệnh ác tính này. Biện pháp phòng ngừa chủ yếu là xây dựng một lối sống lành mạnh nhằm ngăn ngừa các tác nhân có thể gây tổn thương tế bào gan.
Cụ thể là:
- Cố gắng kiểm soát cân nặng ổn định bằng cách xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và luyện tập thể dục - thể thao thường xuyên.
- Hạn chế sử dụng rượu bia, bởi việc uống quá nhiều bia rượu sẽ làm tổn thương gan và làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư gan.
- Mặc đồ bảo hộ và đeo khẩu trang khi làm những công việc phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại có thể gây ung thư gan.
- Bỏ hút thuốc lá.
- Tiêm vaccine phòng viêm gan B và viêm gan C.
Bệnh ung thư gan không thể lây nhiễm cho người khác được. Tuy nhiên, yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư gan như virus viêm gan B và C lại có khả năng lây nhiễm cho người khác thông qua đường máu. Do đó, biện pháp phòng ngừa các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh ung thư như hạn chế sử dụng rượu bia, hút thuốc lá, bảo hộ khi tiếp xúc với các hóa chất độc hại… là điều rất cần thiết.
Hy vọng với những chia sẻ trong bài viết này, bạn đã có câu trả lời đầy đủ cho thắc mắc "Ung thư gan có lây không?" và những hiểu biết cần thiết về căn bệnh nguy hiểm này. Hãy luôn bên cạnh người thân nếu họ bị ung thư gan để tiếp thêm tinh thần và động lực giúp người bệnh chiến đấu với bệnh tật.