Những biện pháp hiệu quả trong phòng ngừa bệnh sán lá gan ở người

Những biện pháp hiệu quả trong phòng ngừa bệnh sán lá gan ở người

Bệnh sán lá gan ở người là một trong những bệnh dễ mắc nhưng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tổn thương gan, xơ hóa đường mật, ung thư biểu mô đường mật,... Bệnh thường phổ biến ở những vùng có điều kiện vệ sinh môi trường và nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo. Hiểu rõ về đặc điểm, vòng đời của loại sán này sẽ giúp chúng ta có biện pháp phòng ngừa hiệu quả, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Đặc điểm của sán lá gan và môi trường phát triển

Bệnh sán lá gan ở người gồm có bệnh sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn. Tác nhân gây bệnh sán lá gan nhỏ bao gồm Clonorchis sinensis, Opisthorchis viverrini và Opisthorchis felineus. Trong khi đó, các tác nhân gây bệnh sán lá gan lớn là Fasciola hepatica và Fasciola gigantica. Về hình thái, cả hai loài sán này đều có hình dạng dẹt như lá, nhưng sán lá gan lớn có kích thước lớn hơn nhiều so với sán lá gan nhỏ. Đặc điểm chung của chúng là đều có cơ thể lưỡng tính, vừa có tinh hoàn và buồng trứng.

Một điểm đáng lưu ý về đặc tính của sán lá gan là chúng cần môi trường nước để phát triển từ trứng thành ấu trùng. Trứng của sán sẽ bị hỏng và không phát triển được nếu ở trên cạn. Bên cạnh đó, vỏ trứng rất mỏng nên sẽ bị hỏng nếu tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có nhiệt độ trên 70 độ C. Sán lá gan trưởng thành cũng có khả năng tồn tại rất kém ở ngoại cảnh.

Những biện pháp hiệu quả trong phòng ngừa bệnh sán lá gan ở người

Vòng đời và cách xâm nhập của sán lá gan

Sán lá gan nhỏ

Sán lá gan nhỏ ký sinh trong đường mật để đẻ trứng, các trứng này sẽ theo phân ra ngoài môi trường. Nếu trứng rơi vào môi trường nước, chúng sẽ phát triển thành ấu trùng lông di chuyển tự do trong nước và tìm đến các loài ốc để cư trú. Trong ốc, ấu trùng lông sẽ tiếp tục phát triển thành ấu trùng đuôi. Sau đó, các ấu trùng đuôi rời khỏi ốc và tìm đến cư trú ở các loài cá nước ngọt, phát triển thành các nang ấu trùng trong thịt cá.

Khi người ăn gỏi cá sống hoặc cá chưa được nấu chín, các ấu trùng sân sẽ theo thức ăn vào đường ruột, xâm nhập vào ống mật và gây ra bệnh sán lá gan nhỏ.

Sán lá gan lớn

Trứng của sán lá gan lớn cũng theo phân ra ngoài môi trường. Nếu gặp môi trường nước, chúng sẽ phát triển thành ấu trùng lông, rồi tiếp tục ký sinh ở ốc và phát triển thành ấu trùng đuôi. Các ấu trùng đuôi sẽ rời khỏi ốc và bám vào các loại thực vật thủy sinh như cải xoong, rau ngổ, ngó sen,... để thành nang ấu trùng hoặc bơi tự do trong nước.

Nếu người hoặc các động vật như trâu, bò,... ăn phải các thực vật thủy sinh mang nang ấu trùng hoặc uống nước có ấu trùng, họ sẽ bị nhiễm sán lá gan lớn. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, ấu trùng sẽ di chuyển đến nhu mô gan trong 2 - 3 tháng, rồi tiếp tục xâm nhập vào đường mật, trưởng thành và đẻ trứng.

Tỷ lệ nhiễm bệnh sán lá gan ở Việt Nam và những tác hại của bệnh

Bệnh sán lá gan ở người rất phổ biến tại Việt Nam. Sán lá gan lớn đã được phát hiện ở 47 tỉnh, thành phố trong cả nước và có xu hướng ngày càng tăng. Trong khi đó, sán lá gan nhỏ được xác định đã phân bố ít nhất ở 21 tỉnh, thành phố, với một số địa phương như Nam Định, Bình Định, Phú Yên có tỷ lệ nhiễm cao từ 15 - 37%.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sán lá gan có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho cơ thể người bệnh. Sán lá gan lớn có thể làm tổn thương biểu mô đường mật, gây viêm và xơ hóa đường mật, tắc mật, ung thư biểu mô đường mật, viêm tụy cấp,... Còn đối với sán lá gan nhỏ, chúng ký sinh ở gan, hút thức ăn và tiết ra độc tố làm tổn thương gan, gây ra xơ hóa lan tỏa, thoái hóa mỡ, thiếu máu, dị ứng.

Những triệu chứng thường gặp của bệnh

Người mắc bệnh sán lá gan lớn thường có các triệu chứng như mệt mỏi, biếng ăn, gầy sút; sốt thất thường, đôi khi sốt cao, sốt run rồi tự hết hoặc sốt kéo dài; da xanh, niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu; đau bụng, rối loạn tiêu hóa,...

Trong khi đó, triệu chứng của người bệnh sán lá gan nhỏ là đau tức vùng gan, khó tiêu, kém ăn, rối loạn tiêu hóa (phân nát, bạc màu, không thành khuôn,...), sạm da, vàng da,...

Việc phát hiện và điều trị sớm có vai trò rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Do đó, khi có các dấu hiệu trên, người bệnh nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Những biện pháp phòng ngừa hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh sán lá gan ở người, mỗi cá nhân cần thực hiện những biện pháp sau:

- Thực hiện ăn chín, uống sôi. Không ăn gỏi cá và các món ăn chế biến từ cá, cua nếu chưa được nấu chín hoàn toàn. Không uống nước lã, không ăn gan các loài động vật chưa được nấu chín.

- Hạn chế ăn sống các loại rau mọc dưới nước như rau ngổ, rau om, cải xoong, rau cần, ngó sen,... Các loại rau thủy sinh này cần phải được nấu chín trước khi ăn để tiêu diệt các ấu trùng sán lá gan có thể bám trong rau.

- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Giữ gìn vệ sinh môi trường, không thải phân tươi xuống ao nuôi cá, không phóng uế vào các nguồn nước.

Để phòng chống bệnh trong cộng đồng, các cơ quan quản lý cần tăng cường tuyên truyền về tác hại của bệnh sán lá gan ở người. Thực hiện kiểm dịch biên giới chặt chẽ nguồn trâu, bò nhập khẩu từ vùng có dịch. Nếu có dịch xảy ra, cần khoanh vùng dập dịch, đưa người bệnh đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Tóm lại, bệnh sán lá gan ở người là một vấn đề đáng quan tâm bởi tỷ lệ mắc bệnh khá cao ở nhiều địa phương của Việt Nam. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tổn thương gan, xơ hóa đường mật, ung thư,... Vì vậy, việc nắm rõ đặc điểm, vòng đời của sán lá gan để có biện pháp phòng ngừa như ăn chín uống sôi, không ăn sống rau thủy sinh, giữ gìn vệ sinh môi trường là rất quan trọng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm dịch để ngăn chặn và loại trừ nguồn lây lan của bệnh ra cộng đồng.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn