Nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý cho người mắc bệnh viêm gan virus B

Nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý cho người mắc bệnh viêm gan virus B

Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 10-20% dân số mắc các bệnh lý gan, trong đó bệnh viêm gan virus B (viêm gan B) chiếm tỷ lệ cao nhất với con số lên tới 12 triệu người. Đây là con số đáng báo động bởi viêm gan B có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm là xơ gan, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Ngoài dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân viêm gan B cũng cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng. Một chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp làm chậm quá trình chuyển tiếp từ viêm gan mãn tính sang giai đoạn xơ gan nguy hiểm.

Dưới đây là một số khuyến cáo về nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm gan B dựa trên các nghiên cứu mới nhất nhằm giúp ngăn ngừa tiến triển bệnh và hỗ trợ phục hồi chức năng gan hiệu quả. 

Vai trò của chế độ dinh dưỡng đối với bệnh nhân viêm gan virus B 

Trong cơ thể, gan và chức năng của gan được ví như “nhà máy chế biến thực phẩm thành các chất dinh dưỡng cần thiết nuôi cơ thể”. Khi gan không hoạt động tốt do bị bệnh, một chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý có thể làm hạn chế chức năng gan và làm trầm trọng thêm bệnh lý. 
Do đó, chế độ dinh dưỡng cân bằng, đảm bảo các chất đường, béo, đạm, vitamin và khoáng chất, đóng vai trò rất quan trọng trong việc ổn định và phục hồi chức năng gan cho bệnh nhân. 

Trong trường hợp bệnh nhân bị viêm gan B ở giai đoạn cấp tính: Gan bị tổn thương, hoạt động bất thường nên bệnh nhân hay mệt mỏi, chán ăn, rối loạn tiêu hóa... khi đó cần phải có nguyên tắc dinh dưỡng phù hợp giúp người bệnh phục hồi nhanh nhất.

Tóm lại, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong điều trị và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm gan B. Do đó, cần xây dựng chế độ ăn phù hợp cho bệnh nhân ở từng giai đoạn bệnh.

Nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý cho người mắc bệnh viêm gan virus B

Những khuyến cáo chung cho người viêm gan B trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày

Để giúp người bị viêm gan B ổn định sức khỏe và chậm tiến triển bệnh, chúng tôi đưa ra các nguyên tắc khuyến cáo sau đây:

Kiêng ăn uống tùm lum, ăn uống đúng giờ giấc

Bởi gan sẽ không còn hoạt động tốt trong trường hợp ăn uống linh tinh, không đúng giờ giấc. Đặc biệt, tránh để bị đói vì khi đó gan sẽ phải lấy glucogen dự trữ và tiêu hao năng lượng để bù đắp cho hoạt động của cơ thể, từ đó gây áp lực lên gan.

Chia nhỏ bữa ăn, không ăn dồn bữa 

Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì dồn nhiều thức ăn vào một bữa để giảm áp lực lên gan trong việc tiết mật. 

Hạn chế ăn uống ở bên ngoài, hạn chế đồ ăn nhanh, chế biến sẵn 

Việc hạn chế ăn uống bên ngoài, đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn sẽ giúp bệnh nhân tránh tiếp xúc với các chất độc hại như phụ gia thực phẩm, hóa chất bảo quản. Thay vào đó, nên ăn uống tại nhà với những thức ăn được nấu từ nguyên liệu tươi sống, sạch sẽ.

Hạn chế các món ăn chiên, xào, nướng. Tránh ăn nội tạng động vật

Các món ăn chiên, xào, nướng chứa nhiều dầu mỡ, đặc biệt món nội tạng động vật lại càng chứa quá nhiều đạm. Điều này sẽ gây áp lực rất lớn cho gan đang bị viêm nhiễm phải hoạt động nhiều hơn để tiêu hóa. Do đó, bệnh nhân nên chú trọng các món luộc, hấp và ăn nhiều rau xanh, củ quả.

Tăng cường tập thể dục nhẹ nhàng, tránh lười vận động

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, việc tập luyện cũng rất quan trọng. Hoạt động thể chất vừa phải như đi bộ, yoga, thể dục nhịp điệu... sẽ giúp cải thiện tuần hoàn máu, đốt cháy mỡ thừa và ngăn ngừa tích mỡ ở gan. Ngược lại, lười vận động khiến quá trình điều trị viêm gan B kém hiệu quả hơn.  

Ngoài ra, việc nghỉ ngơi, thư giãn đầy đủ cũng rất cần thiết để ổn định tâm trạng, tinh thần, giúp cơ thể dễ dàng phục hồi hơn.

Chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và tiến triển của bệnh viêm gan B. Hy vọng với những chia sẻ trên đây, bệnh nhân có thể xây dựng được thói quen sinh hoạt đúng cách hàng ngày để giúp cân bằng dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng và hỗ trợ điều trị bệnh.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn